Chiếc áo giáo sĩ Charles-Maurice_de_Talleyrand-Périgord

Kể từ đó, Talleyrand mới thực sự bước chân vào xã hội thượng lưu Pháp. Tháng 12 năm 1788, vua Louis XVI lại cử ông giữ chức Tổng Giám mục Autun, Nhưng Talleyrand không phải là một tín đồ ngoan đạo của Thượng đế, bởi ngay từ nhỏ, ông đã là một kẻ vô thần thích sống một cuộc sống phóng đãng và không chịu mọi sự ràng buộc. Khoác chiếc áo thụng đen của cha cố và không cần biết đến địa vị của mình, Talleyrand tha hồ ăn chơi đàng điếm tình tứ lăng nhăng với những người phụ nữ quý tộc. Không dừng lại ở đó, Talleyrand còn đến sở giao dịch để buôn bán đầu cơ, tìm đủ cách để kiếm tiền. Trong mắt mọi người, ông nổi danh là một kẻ tham lam hèn hạ. Trong khi Talleyrand đang thả sức hưởng thụ "sự ngọt ngào" của cuộc sống hoan lạc trong xã hội thượng lưu tại Paris, thì một trận bão táp cách mạng chưa từng có đã ập tới. Cơn bão này không những làm thay đổi cả nước Pháp mà cuộc đời của Talleyrand cũng vì thế mà có những bước đại nhảy vọt.

Ngày 14 tháng 7 năm 1789, nhân dân Paris đánh chiếm ngục Bastille là nơi tượng trưng cho thành luỹ thống trị của Chủ nghĩa phong kiến chuyên chế. Talleyrand dựa vào phán đoán chính trị nhạy bén của mình; ý thức được lực lượng cách mạng to lớn chắc chắn sẽ chôn vùi vương triều phong kiến hủ bại. Ông biết, nếu muốn cho mình không trở thành vật tế thần của vương triều phong kiến, thì phải nhanh chóng bỏ rơi nó, chen chân vào giai cấp tư sản mới vươn lên. Đây có thể nói là bước đột phá đầu tiên trên lĩnh vực chính trị của Talleyrand.

Mùa hè năm 1789, nước Pháp lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Trong phiên họp giải quyết vấn đề ruộng đất của hội nghị lập hiến, với tư cách là Tổng Giám mục khu Autun, Talleyrand bắt đầu đi những nước cờ đầu tiên của mình. Talleyrand đã phát biểu một cách cởi mở tại phiên họp, phê bình dữ dội vấn đề Giáo hội đã chiếm lấy một số lớn ruộng đất mà lại không đóng thuế, lên tiếng hô hào tịch thu ruộng đất của Giáo hội để quốc gia bán đấu giá, giải quyết việc khủng hoảng tài chính. Talleyrand nhấn mạnh là việc tịch thu ruộng đất của Giáo hội không hề đụng chạm tới nguyên tắc "quyền tư hữu tài sản là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm". Vì ruộng đất của Giáo hội khác hơn tài sản riêng của cá nhân trong thế tục, vì tất cả ruộng đất đó đều thuộc về toàn thể tín đồ, cũng tức là thuộc về mọi công dân, do vậy, quốc gia có quyền thu hồi. Lời phát biểu của Talleyrand đã làm xúc động hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị. Thế là cuối cùng nghị hội lập hiến đã thông qua nghị quyết "ruộng đất của Giáo hội sẽ do quốc gia xử lý". Bằng cách này, Talleyrand đã trở thành người anh hùng trong tâm khảm của thị dân Paris. Họ thực sự cảm động trước tinh thần tự nguyện hy sinh của ông, đến mức gọi ông là "người chăn cừu của linh hồn nhân loại". Nhưng ít ai có thể hiểu được những ý nghĩ sâu kín trong lòng Talleyrand. Kể từ đó, Talleyrand dần trở thành nhân tố nòng cốt trong hàng ngũ những người cách mạng. Ít lâu sau, Talleyrand đắc cử chức chủ tịch nghị hội lập hiến.

Nhằm mục đích thoát khỏi sự ràng buộc của giáo hội, ngày 24 tháng 8 năm 1790, nghị hội công bố "Luật giáo sĩ", quy định các giáo sĩTổng Giám mục đều phải được bầu cử, xoá bỏ tiền quyên góp đầu năm và yêu cầu tất cả các tăng lữ đều phải tuyên thệ chấp hành. Giáo hoàng La Mã hết sức giận dữ, chẳng những không phê chuẩn pháp lệnh đó mà còn ban hành lệnh "khiển trách". Talleyrand vẫn tiếp tục hành động trái ngược với Giáo hoàng, lấy tư cách là giáo sĩ tham gia lễ tuyên thệ, đồng thời, ông còn đứng ra tổ chức lễ thụ chức cho các giáo sĩ dự bị. Giáo hoàng La Mã hết sức căm hận người Tổng Giám mục "cách mạng" đó, tuyên bố đuổi ông ra khỏi Giáo hội. Talleyrand từ lâu đã chán ghét chiếc áo thụng màu đen mà suốt ngày mình phải mặc, nên thừa dịp đó vào năm 1791, tuyên bố không làm giáo sĩ nữa.

Tuy nhiên một mặt vẫn đi theo cách mạng, mặt khác Talleyrand vẫn bí mật cấu kết với vua Louis XVI. Hai tháng sau ngày dân chúng Paris phát động khởi nghĩa vũ trang, bắt vua Louis XVI tống giam vào ngục, phe cách mạng phát hiện được một chiếc tủ bí mật nằm ẩn trong vách tường của điện Tuileries hai bản bị vong lục của Talleyrand gửi cho vua Louis XVI. Chỉ dựa vào bằng chứng đó cũng đủ đưa Talleyrand lên máy chém.